Ngày 29.5, Mạng lưới Quản lý Giáo dục không biên giới phối hợp cùng Trường Đại học Phenikaa và Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Edmod tổ chức khóa học “Hướng nghiệp quốc tế”, với sự tham gia của gần 100 thầy cô là lãnh đạo và giáo viên hướng nghiệp từ hơn 30 trường THPT khu vực phía Bắc.
Khóa học thuộc Dự án “Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông” do Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý giáo dục thúc tiến và xây dựng. Hoạt động chính của dự án là tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường THPT về kỹ năng tư vấn và tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp hiện đại trong nhà trường theo xu hướng quốc tế.
Giai đoạn 1 của dự án dự kiến triển khai trong 2 năm (2024, 2025) với đối tượng thụ hưởng khoảng 100 trường THPT các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Khóa học “Hướng nghiệp quốc tế” nhằm nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT, tạo môi trường giáo dục tích cực và hiệu quả, phát triển kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với xu hướng thị trường lao động.
Còn một khoảng trống rất lớn về nhận thức trong công tác hướng nghiệp
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Nhà đồng sáng lập Mạng lưới Quản lí giáo dục không biên giới, Cố vấn chuyên môn của lớp học, hướng nghiệp là một trong những trọng tâm rất quan trọng của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa là một nội dung giáo dục, đồng thời là một phương thức để thực hiện mục tiêu giáo dục trong bối cảnh mới.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhìn nhận, trên thực tế hiện nay, còn một khoảng trống rất lớn về nhận thức của các nhà quản lý cũng như các giáo viên ở nhà trường về công tác hướng nghiệp. Các trường rất lúng túng trong việc giáo dục cái gì, như thế nào và bản thân các trường cũng không đủ nguồn lực để thực hiện những điều này.
“Những điều tốt đẹp của chương trình GDPT 2018 sẽ không đi được vào thực tế, vào cuộc sống nếu chúng ta không nhận thức được rào cản - chính là nằm trong nhận thức cũng như năng lực thực hiện của các nhà trường. Vì thế, việc nâng cao nhận thức, năng lực và chuẩn bị nội dung công cụ cho các nhà trường là một vấn đề rất cấp bách”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Nhìn thấy những khoảng trống nói trên, Viện Nghiên cứu và phát triển quản lý giáo dục cùng các đơn vị đối tác nhận thấy trách nhiệm xã hội; mong muốn có thể đóng góp vào việc nâng cao tầm nhìn, nhận thức cho các đội ngũ cán bộ quản lý, cũng như trao cho họ cùng giáo viên đang trực tiếp làm công tác hướng nghiệp ở các nhà trường phổ thông những phương pháp, công cụ để thực hiện được hoạt động này.
Về chủ đề của khóa học là “Hướng nghiệp quốc tế”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết, các chuyên gia không nhìn nhận việc hướng nghiệp quốc tế như một nội dung dành cho đối tượng học sinh đang đi du học hay những trường có nhiều học sinh quan tâm đến vấn đề du học. Thay vào đó, họ cho rằng, mỗi công dân Việt Nam đều sẽ tham gia vào hội nhập quốc tế.
“Khi tôi đi đến những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, cũng có rất nhiều thanh thiếu niên đã hội nhập quốc tế bằng con đường đi xuất khẩu lao động hay tham gia các công việc khác. Do đó, nhận thức về hướng nghiệp quốc tế cần như một nhận thức cơ bản trong công tác hướng nghiệp”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.
Lớp học sẽ cung cấp cho các thầy cô cả về kiến thức, phương pháp và đặc biệt là công cụ; tạo ra một mạng lưới, cộng đồng những người sẽ làm công tác hướng nghiệp ở các nhà trường.
Trong gần 5 năm vừa qua, Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới, Viện nghiên cứu và phát triển quản lý giáo dục đã đi từng bước để tạo ra một mạng lưới các hiệu trưởng, các nhà quản lý giáo dục và cộng đồng giáo viên rất tích cực.
Mạng lưới đã triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến hướng nghiệp. Khóa học “Hướng nghiệp quốc tế” là một phiên bản thứ hai của tam giác hướng nghiệp này.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, dự kiến trong thời gian tới, Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới, Viện nghiên cứu và phát triển quản lý giáo dục sẽ mở liên tục những khóa học tương tự nhằm nâng cao năng lực cho nhà quản lý và cán bộ hướng nghiệp trong các nhà trường ở thêm nhiều địa phương, trường học.
“Sau đó, chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức uy tín, dự kiến đưa những chương trình đã được đánh giá, kiểm nghiệm có tính chất uy tín cao để làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh THPT, sinh viên các trường đại học. Trong đó, trọng tâm vẫn là nâng cao năng lực của các nhà quản lý, cán bộ hướng nghiệp ở các nhà trường”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Trường học có tư duy tiên tiến sẽ không tư vấn cho học sinh đừng thi lên cấp 3
Khóa học “Hướng nghiệp quốc tế” bao gồm các nội dung tổng quan về hướng nghiệp quốc tế, xu hướng thị trường lao động trong tương lai, từ đó định hình chân dung “công dân toàn cầu” qua các yếu tố và bài trắc nghiệm sự thích nghi với môi trường toàn cầu.
Ngoài ra, khóa học truyền tải đến đội ngũ hướng nghiệp trong trường THPT những kiến thức cơ sở về tâm lý, kỹ năng nền tảng như lắng nghe, phản hồi, đặt câu hỏi… nhằm nâng cao kỹ năng tư vấn và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp quốc tế.
Qua khóa học, đội ngũ giáo viên hướng nghiệp và các nhà quản lý biết được cách xác định mục tiêu sự nghiệp cho học sinh, từ đó xây dựng bản đồ hướng nghiệp quốc tế và đánh giá các kỹ năng hướng nghiệp theo bảng tiêu chuẩn để cải thiện hơn chất lượng tư vấn trong nhà trường.
Báo cáo viên tại khóa học là TS Vũ Kiều Anh, Chủ tịch Edmod Vietnam. TS Vũ Kiều Anh đã trình bày 2 mô hình hướng nghiệp quốc tế phổ biến gồm mô hình học tập du học nước ngoài và mô hình học tập chương trình quốc tế tại Việt Nam. Hai mô hình này gần giống nhau, gặp nhau ở các mục tiêu đầu ra là làm việc tại nước ngoài, làm việc xuyên quốc gia và làm việc tại Việt Nam.
Nói về tầm quan trọng của hướng nghiệp quốc tế, theo TS Vũ Kiều Anh, muốn học sinh trở thành công dân toàn cầu, phải hội tụ đầy đủ 4 yếu tố.
Thứ nhất, phải chắp cánh ước mơ cho các em. Thứ hai, mở ra cơ hội học tập và làm việc rộng mở trên toàn cầu thay vì “dán nhãn” rằng trẻ chỉ có thể làm việc trong nước.
“Những trường học có tư duy tiên tiến sẽ không bao giờ tư vấn cho học sinh của mình rằng các em "đừng thi lên cấp 3, hãy đi học nghề luôn đi". Chúng ta phải mở ra cơ hội học tập và việc làm cho các em bằng cách vẫn để trẻ thi xem năng lực đến đâu, đồng thời tư vấn đâu là hướng đi phù hợp với các em”, TS Vũ Kiều Anh cho hay.
Yếu tố thứ ba để học sinh trở thành công dân toàn cầu là nâng cao năng lực cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Muốn cạnh tranh sòng phẳng, phải “mạnh” cả 3 yếu tố: tư duy mạnh mẽ, kỹ năng chuyên nghiêp và phải có công cụ trong học tập.
Thứ tư, học sinh phải được phát triển toàn diện. TS Vũ Kiều Anh nhấn mạnh, phát triển toàn diện có nghĩa chúng ta không được bỏ, không được để học sinh bị yếu bất cứ một vấn đề nào.
“Giống như chiếc kiềng 3 chân, nếu 2 chân chắc nhưng 1 chân yếu, tất nhiên kiềng không vững. 3 chân đó không nhất thiết đều phải xuất sắc, nhưng phải tương đồng với nhau và trong đó phải có một khía cạnh nổi bật, ít nhất là tư duy của học sinh”, TS Vũ Kiều Anh cho hay.
Với vai trò đồng hành cùng các trường THPT trong công tác hướng nghiệp dành cho học sinh, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa mong muốn thông qua khóa học này, các thầy cô sẽ có được hướng tiếp cận để tư vấn, định hướng giúp học sinh có được lộ trình học tập thích hợp, phát triển những kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu ngay trong môi trường học tập tại Việt Nam.
“Hướng nghiệp là con đường dài, không phải chỉ từ phía hiệu trưởng trường THPT hay trường đại học, hay các doanh nghiệp mà là con đường của cả một hệ thống từ mầm non trở lên. Chúng tôi cũng luôn đau đáu với chuyện này. Tôi và các thầy cô ở đây, chúng ta chỉ là một đốm lửa rất nhỏ, nhưng chúng ta hợp lực lại, ngọn lửa mới có thể bùng lên”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói.
Một số hình ảnh tại khóa học “Hướng nghiệp quốc tế”, tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa ngày 29.5:
Tác giả: VP HỘI
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn